Nhẹ nhàng chò nâu

Đơn vị nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu (ngocchaubptp@... ) nhận chuyển nhượng 100m2 đất bằng viết giấy tay, đã trả một phần tiền. Bà thỏa thuận với người chuyển nhượng, sau khi làm thủ tục sang tên sẽ trả hết số tiền còn lại, nhưng người chuyển nhượng không thực hiện đúng thỏa thuận.

Bà Châu hỏi, bà có quyền làm đơn đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn việc sang nhượng đối với mảnh đất này không? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:



Phải lập hợp đồng khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành hợp đồng. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng.

Theo Khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực. Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại UBND cấp xã. Đây là thủ tục pháp lý bắt buộc đối với loại hợp đồng này.

Hiện nay, hộ gia đình, cá nhân giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể lập hợp đồng tại tổ chức công chứng ở địa phương theo quy định tại các Điều 40, 41, 42 Luật Công chứng năm 2014, hoặc lựa chọn chứng thực hợp đồng tại Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, hoặc UBND cấp xã theo quy định tại Điểm d, Khoản 1 và Điểm c, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc Châu có giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay, không thực hiện đúng quy định về hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai, không công chứng, chứng thực tại cơ quan tổ chức có thẩm quyền, nay có tranh chấp về việc chuyển nhượng đất đó mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất.

Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền. Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú).

Trước khi nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện, để ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, bà Châu có thể làm đơn đề nghị UBND cấp xã, Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất tạm thời chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền (nếu có) đối với thửa đất có tranh chấp.

Nguồn baochinhphu.vn
Previous
Next Post »